Trước đây, nếu muốn ăn một bát phở cho đúng vị phở Hà Nội ở thủ đô Béclin (Đức), người ta phải vào các khu "chợ" của người Việt như Trung tâm Thương mại Đồng Xuân hoặc Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương. Nhưng giờ đây, khi phở đã được nhiều người Đức biết tới và thích thú, thậm chí là đam mê thì nhiều nhà hàng của người Việt tại Béclin đã có thêm món phở đúng kiểu. Không những thế, phở đã thành một món "chủ lực" của một số nhà hàng ở những đường phố đông người qua lại ở Béclin.







Tác giả và chủ quán Trần Liên Hương trước cửa nhà hàng “Phố cổ”.



Đi qua nhiều nhà hàng của người Việt ở Béclin, chúng tôi thấy trên các tấm bảng lớn quảng cáo thực đơn ngoài cửa đã ghi rõ các món "Phở bò, phở gà" bằng tiếng Việt, thậm chí không có ghi chú bằng tiếng Đức. Dường như chủ quán đã rất tự tin, khi cho rằng người nước ngoài muốn ăn phở đã phải biết rõ từ này như một danh từ riêng, như món pizza của Italia và hamburger của Mỹ. Một nhà hàng ở quận Schoeneberg thậm chí đã lấy từ "Phở Việt" để đặt tên cho quán ăn của mình.



Tới thăm quán "Phố cổ" gần Quảng trường Alexander ở trung tâm Béclin, chúng tôi đã cảm nhận được những ý tưởng tinh tế của chủ quán khi tạo ra được một phong cách riêng cho quán của mình: Ngay từ ngoài cửa, những tấm đan bằng lá cọ mô phỏng mái nhà xưa của người Việt đã kích thích sự hiếu kỳ của thực khách. Bên trong quán, một loạt đèn lồng treo trên trần đã gợi lại hình ảnh những ngôi nhà cổ ở Hội An và trên tường là những bức tranh mô tả những khu phố cổ của Hà Nội, thể hiện đúng tên gọi của nhà hàng là: Phố Cổ.



Một điều làm chúng tôi bất ngờ là chủ quán "Phố Cổ" lại là một cô gái còn rất trẻ có tên Trần Liên Hương. Mặc dù trong việc xây dựng quán, Liên Hương phải nhờ sự giúp đỡ của cha, mẹ. Nhưng cô là người đưa ra ý tưởng thiết kế, trình bày nhà hàng theo phong cách phố cổ. Liên Hương cho biết, cô đã về tận Hội An để đặt mua đèn lồng với nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau. Cô rất thích những chiếc đèn lồng này, vì nó tạo ra được một bầu không khí ấm cúng và phản ánh được tinh thần của phố cổ. Cô cũng đã sang Bát Tràng để đặt mua bát, đĩa, ca, cốc với những hình dáng bắt mắt và độc đáo.



Thực đơn của quán cũng là những món ăn thuần Việt như phở bò, phở gà, bún chả, bún nem và bún bò Nam bộ...

Chị Alexandra và anh Daniel, hai thực khách người Đức còn khá trẻ cho biết, họ rất thích tới quán này để ăn phở, vì món ăn ngon, bài trí nhà hàng rất đẹp, tạo ra một không khí dễ chịu thoải mái.



Vợ chồng ông bà Thimme, hai thực khách đã đứng tuổi thì cho biết, tuần nào hai ông bà cũng tới ăn ở quán này, hôm thì ăn phở, hôm thì ăn cơm. Ông bà thích các món ăn Việt Nam vì ngon, ít mỡ, dễ tiêu và lại rẻ nữa. Thấy ông đang nhâm nhi một chai bia 333, tôi hỏi thì ông nói, khi nào đến đây ăn, ông cũng uống bia 333 hoặc bia Sài Gòn,vì ông thích loại bia này có vị ngọt hơn, trong khi bia Đức đắng hơn.



Mặc dù trời khá lạnh và lất phất mưa, nhưng có lẽ đúng vào giờ ăn trưa, nên chúng tôi thấy thực khách ra vào tấp nập. Tuy nhiên, không chỉ quán "Phố Cổ" mới đông khách, nhiều quán Việt Nam khác mà tôi biết như quán "Fa. Dang" nằm cách đó chưa đầy 2 km và quán ăn nhanh "Asia Gourmet" nằm ở khu vực nhà ga chính của Berlin cũng rất đông thực khách vào những giờ ăn trưa và tối. Một trong những món chủ lực của các quán này được thực khách ưa chuộng là món phở bò, phở gà truyền thống của Việt Nam. Giờ đây, món phở truyền thống không chỉ được ưa chuộng trong cộng đồng người Việt tại Đức và chỉ được bán trong các "chợ" của người Việt, mà đã "ra phố" để chinh phục những thực khách Đức.



Bài và ảnh: Văn Long - Thanh Hải (P/v TTXVN tại Đức)

Theo dulich.vn