Những bảo vật quốc gia của xứ Thanh



Trống đồng Cẩm Giang còn được gọi là Trống vịt. Trống được đúc bằng đồng, kích thước đường kính miệng 73cm, đường kính chân 73cm, có chiều cao: 41,9cm, nặng: 60kg. Chiếc trống này do ông Bùi Đức Tậu (thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang, Cẩm Thủy) phát hiện ngày 30/9/1992 trong khi làm vườn, ở độ sâu khoảng 1,50m. Thời điểm ông phát hiện chiếc trống đã có rất nhiều khách ngoại tỉnh về hỏi mua, có người trả với giá rất cao lên đến hơn 70 triệu nhưng người nông dân phát hiện ra chiếc trống này đã nhất định không bán. Khi được cán bộ biết thông tin và động viên ông bàn giao chiếc trống lại cho nhà nước, ngày 6/1/1993, chiếc trống đồng này đã được ông Tậu bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.



Trống có kiểu dáng cân đối, hoa văn trang trí phong phú và sinh động. Trên mặt trống: chính giữa là hình ngôi sao 16 cánh, tính từ tâm ra ngoài trang trí 9 vòng hoa văn, gồm: hoa văn hình học, hình chim lạc đang bay, hình người hóa trang lông chim, hình chim cách điệu.






Trống đồng Cẩm Giang với việc tạo những khối vịt ở rìa mặt tạo nét riêng và độc đáo.


Rìa mặt có 4 khối tượng vịt quay ngược chiều kim đồng hồ. Thân trống được chia làm 3 phần: tang, lưng và chân trống. Tang và lưng trống trang trí hoa văn hình học và hình người hóa trang lông chim cách điệu đang nhảy múa. Chân trống không có hoa văn. Trống có 2 đôi quai kép hình chữ C. Căn cứ vào kiểu dáng và hoa văn trang trí, thì trống Cẩm Giang thuộc loại HI Heger, nhóm C1 (TK III trước Công nguyên - I sau Công nguyên).



Bảo vật thứ 2 được nhắc đến là thanh kiếm ngắn núi Nưa. Được phát hiện vào năm 1961 ở căn cứ khởi nghĩa của Bà Triệu tại chân núi Nưa, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa)



Kiếm được đúc bằng chất liệu đồng, dài 46,5 cm, rộng 5cm, cán dài 18cm, nặng 620g và được sưu tầm dưới chân núi Nưa (xã Tân Ninh, Triệu Sơn) vào năm 1961.



Kiếm có kiểu chuôi và lưỡi hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã, gồm 2 phần: Phần lưỡi và phần cán. Lưỡi hình lá tre, mỏng, có 2 rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán kiếm là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ được đúc liền với lưỡi kiếm. Người phụ nữ đứng nhìn thẳng, 2 tay khuỳnh, chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn hình chóp giống hình búp sen, mặt trái xoan, tai dài đeo đôi vòng to chấm vai, ngực và tay đeo vòng trang sức. Thân mặc áo chẽn dài tay, bụng được thắt một dải rộng như cạp váy, lưng thắt dải bao dài phủ cả đằng trước và sau trên chiếc váy dài trùm hết chân. Căn cứ vào kiểu dáng và hoa văn trang trí có thể khẳng định kiếm thuộc nền Văn hóa Đông Sơn.






Kiếm ngắn núi Nưa có phần chuôi được tạo bởi hình một người phụ nữ với một khí phách hiên ngang quật cường.


Chiếc Vạc đồng Cẩm Thủy là một bảo vật ẩn nhiều điều bí ẩn. Vạc được đúc bằng đồng, có kích thước đường kính miệng 134,4cm, đường kính đáy 115cm, cao 79,8cm, do Ban chỉ huy Quân sự thành phố Thanh Hóa sưu tầm được ở khu vực ngã ba Đình Hương (phường Hàm Rồng) vào khoảng đầu thập kỷ 80 Thế kỷ XX và bàn giao cho Bảo tàng tỉnh ngày 1/8/2002.



Vạc có dáng hình trụ, miệng hơi loe, thành miệng vát, đáy lồi. Trên miệng gắn 6 quai to hình chữ U trang trí hình vặn thừng cách đều nhau. Bên trong thành miệng tạo gờ, giữa tai quai trang trí hoa văn 5 cánh. Khoảng cách giữa các quai trang trí hoa văn hoa lá dây và 2 dòng minh văn chữ Hán đối xứng nhau, mỗi dòng gồm 11 chữ, nét chữ nổi đậm, rõ ràng: “Cẩm Thủy huyện khâm sai chính thống lĩnh Quận công Tạo/ Nhâm Thân niên thập nhất nguyệt nhị thập bát nhật chú” (tạm dịch nghĩa là Chính thống lĩnh Tạo Quận công quan khâm sai huyện Cẩm Thủy/ Đúc ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân).



Bên ngoài sát dưới thành miệng trang trí một băng hoa văn hình bông hoa 4 cánh xen kẽ vân mây, thân trang trí các đường gờ nổi tạo thành kiểu bổ ô dọc (gồm 6 ô). Toàn thân vạc được phủ một lớp patin màu xanh rỉ đồng.






Vạc đồng Cẩm Thủy là một bảo vật quốc gia với nhiều điều bí ẩn không thể lý giải.


Căn cứ vào 2 dòng minh văn trên và theo tra cứu các tư liệu lịch sử, thì Quận công Tạo tức Phạm Ngô Cầu, “là một võ tướng nhà Trịnh, tước Tạo quận công. Ông được Lê Hiến Tông và Trịnh Sâm rất tín nhiệm”. Từ đó có thể khẳng định chiếc vạc đồng này do quan khâm sai huyện Cẩm Thủy là Tạo quận công Phạm Ngô Cầu cho đúc ngày 28/11.



Mỗi bảo vật mang một số phận lịch sử



Trải qua hàng trăm năm, những kỷ vật trong lịch sử này vừa qua đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Thế nhưng, có nhiều những câu hỏi xung quanh những vật thiêng này mà không ai có thể lý giải được.



Là một vật được đúc rất hoàn hảo và công phu tuy nhiên cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được vạc đồng Cẩm Thủy được dùng vào mục đích gì và tại sao một vị quan khâm sai lại cho làm ra chiếc vạc này. Tất cả những giả thiết đặt ra vẫn chưa được các nhà nghiên cứu thỏa mãn và vật thiêng này vẫn là một bí ẩn.



Câu chuyện truyền thuyết về Bà Triệu diệt giặc trên đỉnh ngàn Nưa và việc phát hiện ra kiếm ngắn núi Nưa ngay tại nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Nó khiến nhân dân nhớ về Bà Triệu, một nữ anh hùng diệt giặc đầy khí phách hiên ngang đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn. Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu thì kiếm ngắn núi Nưa có cấu trúc, kiểu dáng, tiêu chí thẩm mỹ nghệ thuật rất đẹp, là kiếm ngắn đẹp nhất trong các kiếm ngắn có khối tượng người ở Việt Nam.



Chiếc trồng đồng Cẩm Giang với hoa văn trang trí trên trống có nhiều nét tinh mỹ là vậy, nhưng điều đặc biệt hơn cả là trên mặt trống Cẩm Giang lại có 4 khối tượng vịt chứ không phải là 4 khối tượng cóc như những chiếc trống thông thường. Vịt là một loài vật gần gũi với từng gia đình nông dân từ xưa tới nay và cũng là biểu tượng của nền nông nghiệp lúa nước. Điều này khiến nó trở thành chiếc trống đồng độc nhất ở Việt Nam.



Hiện những bảo vật quốc gia này được bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa.




Theo Báo điện tử Dân trí

Theo dulich.vn