Thăng Long - Hà Nội với bề dày truyền thống hơn 1000 năm đã tiếp nhận, chắt lọc những gì tinh túy nhất của mọi vùng miền đất nước và quốc tế để tạo nên một bản sắc văn hóa rất riêng, gây ấn tượng đặc biệt với bất kỳ ai từng đặt chân đến.



Vì lẽ đó, Lifehack (website chuyên đưa ra các bình luận, gợi ý giúp con người cải thiện bản thân và cuộc sống) đã đánh giá Hà Nội là một trong 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa nhất thế giới mà mỗi người nên đến ít nhất một lần trong đời. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên Hà Nội lọt vào danh sách những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do chính du khách bình chọn.










Khách du lịch quốc tế tìm hiểu về văn hóa Việt Nam tại Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây. Ảnh: Bảo Lâm








<strong style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; ">Lớp lớp văn hóa chồng xếp lên nhau[/B]



Ai đó từng ví von rằng, những thành phố trẻ, năng động như cô gái mới lớn, thấy sức trẻ đấy, thấy tương lai rạng ngời đấy nhưng thiếu đi cái duyên mặn mà, còn những thành phố có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa như những người phụ nữ duyên dáng, càng tìm hiểu, càng tiếp xúc thì càng phát hiện ra những điều thú vị. Theo cách ví von này thì nét hấp dẫn, sự thú vị của thành phố Hà Nội nghìn năm văn hiến chính là bản sắc văn hóa rất riêng, không lẫn với bất kỳ vùng miền, địa phương hay quốc gia nào.



Ngay khi đặt chân đến "vùng lõi" của Thủ đô, du khách có thể tìm hiểu lịch sử các triều đại Việt Nam qua hàng vạn tài liệu, hiện vật, các hố khai quật khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; tìm hiểu giá trị vật thể, phi vật thể, nét kiến trúc vô cùng độc đáo của các di tích đã được đánh dấu, ghi tên trên bản đồ du lịch thế giới như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, đền Quán Thánh, Liễu Giai; Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Xa hơn, miền đất cổ xứ Đoài mang trong mình nhiều huyền tích đủ sức hấp dẫn mọi đối tượng du khách. Đó là thắng cảnh chùa Thầy (Quốc Oai) đẹp như bức tranh thủy mặc. Cách chùa Thầy khoảng 2km theo đường chim bay là chùa Tây Phương, nằm trên đỉnh Câu Lậu Sơn của xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất); nổi tiếng với những pho tượng La Hán, khắc sâu triết lý về thế sự, nhân sinh. Từ chùa Tây Phương, du khách có thể đến miền cổ tích Sơn Tây thăm Đền Và rêu phong cổ kính; đình Mông Phụ, chùa Mía mang phong cách kiến trúc đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc bộ. Đặc biệt hơn là Khu di tích - danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức) được ví như "Nam thiên đệ nhất động"… Ngoài ra, Hà Nội còn được biết đến là mảnh đất trăm nghề, mỗi nghề là một hoài niệm của lịch sử, ẩn chứa những giá trị văn hóa rất riêng.



Bản sắc văn hóa của đất kinh kỳ còn là những di sản văn hóa phi vật thể với trữ lượng khá lớn, phản ánh một cách phong phú, đa dạng và chân thực truyền thống sinh hoạt văn hóa của người Hà Nội. Đó là hệ thống các lễ hội dân gian, là những tục lệ, hương ước của làng xã… Hơn thế, những món ăn đặc sản như: Phở Hà Nội, nem, bún chả, giò chả Ước Lễ, chả cá Lã Vọng, xôi lúa Tương Mai, cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, rượu Mơ… đã tạo nên một một thương hiệu ẩm thực riêng cho Hà Nội của ngày hôm qua, hôm nay và mai sau. Có thể nói, chính những yếu tố thuộc về bản sắc văn hóa ấy đã giúp cho Hà Nội được bạn bè trong nước, quốc tế biết đến ngày một nhiều hơn. Như chị Celine, du khách Mỹ chia sẻ: "Tôi đã đi nhiều nước, nhiều thành phố trên thế giới, nhưng hiếm nơi nào để lại ấn tượng trong tôi như Hà Nội. Nếu có điều kiện, tôi sẽ trở lại Hà Nội nhiều lần nữa". Còn với mỗi người dân Hà Nội, được sống ở Hà Nội là một niềm tự hào "Tôi yêu Hà Nội, yêu thành phố ngàn năm.Tôi thấy mình may mắn khi được sống trong bầu không khí văn hóa, xã hội trong lành", ông Nguyễn Quốc Chính, trú tại phố Lãn Ông (Hoàn Kiếm) cho hay.



Nói về bản sắc văn hóa của Hà Nội, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhiều lần khẳng định: "Thủ đô Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, tiếp theo là một trung tâm phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, một trung tâm giao lưu quốc tế, nhưng trong đó trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu nhất. Hà Nội và mỗi người dân sống trên đất Hà Nội có quyền tự hào chính đáng về kho tàng di sản phong phú, đa dạng mà lịch sử cùng các thế hệ cư dân đã từng cư trú trên không gian này sáng tạo nên trong lao động và chiến đấu".



<strong style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; ">Nỗ lực xây dựng thương hiệu cho văn hóa Hà Nội[/B]



Thực tế chứng minh, văn hóa và bản sắc văn hóa của một vùng, miền, một địa phương hay một quốc gia là tài nguyên không bao giờ cạn kiệt để phát triển du lịch, là một trong những "phương tiện" để gắn kết cộng đồng, xây dựng quốc gia, dân tộc. Nhận thức rõ điều này, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đang từng bước xây dựng thương hiệu cho văn hóa Hà Nội.



Năm 2013, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã quy hoạch 3 di tích trọng điểm, cũng là 3 điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội gồm: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm, Nhà tù Hỏa Lò. Theo đó, di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ được đưa vào danh sách điểm đến quan trọng của các đơn vị lữ hành; Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một điểm đến của tour du lịch xe điện Hà Nội. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được nghiên cứu đưa vào chương trình City tour. Cùng với đó, Hà Nội đang triển khai sâu rộng phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh nhằm phát huy tối đa nét hay, nét đẹp của người Hà Nội. Hiện đề án "Tiêu chí khung hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội" đang được thành phố Hà Nội xem xét thông qua, sau đó sẽ triển khai rộng rãi.

Đồng tình với cách xây dựng thương hiệu văn hóa mà Hà Nội đang triển khai, TS Bùi Hoài Sơn (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) hiến kế: "Ở vị thế là Thủ đô, lại thêm kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, giàu bản sắc, Hà Nội có nhiều tiềm năng để xây dựng thương hiệu văn hóa. Do đó, các ngành chức năng của Hà Nội có thể lập kế hoạch, lựa chọn và tổ chức các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế như: Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam tại Hà Nội 2 năm một lần để phát triển công nghiệp điện ảnh, quảng bá những địa điểm đẹp; tổ chức tuần lễ thời trang Hà Nội để phát triển công nghiệp dệt may và thời trang; tổ chức tuần lễ ẩm thực Hà Nội nhằm giới thiệu đặc sản; tổ chức tuần lễ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội để thúc đẩy sự phát triển của làng nghề thủ công truyền thống…".



Thành quả của việc giữ gìn bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội phần nào được khẳng định qua hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa, lễ hội đang được lưu giữ trong cộng đồng; qua hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế và hàng chục triệu lượt khách trong nước đến với Hà Nội mỗi năm; qua việc trang Asian Inspiration bình chọn Hà Nội lọt top 5 điểm đến có ẩm thực đường phố hấp dẫn nhất Châu Á, trang TripAdvisor khẳng định Hà Nội là một trong 10 điểm đến phát triển tốt nhất thế giới năm 2014, Hà Nội đứng thứ 2 trong 25 thành phố hấp dẫn nhất Châu Á… Đó cũng chính là những bằng chứng xác thực, thuyết phục nhất để thêm một lần khẳng định Hà Nội là một trong 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa nhất thế giới.



Theo báo Hà Nội Mới

Theo dulich.vn