<b style="color: rgb(35, 31, 32); ">Vào hồi 17 giờ 10 phút (23 giờ 10 phút, giờ Việt Nam) ngày 27-11, Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO diễn ra tại TP Paris (Pháp), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.[/B]



Cụ thể, tại kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với sự tham gia của 129 nước tham gia với hơn 900 đại biểu đã thông qua hồ sơ của đoàn Việt Nam về di sản dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Điều này đồng nghĩa với việc dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.



Trước đó, dân ca Ví, Giặm được Viện Âm nhạc Việt Nam kiểm kê năm 2010. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định đưa di sản này vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia năm 2012. Vào ngày 24/11/2014, trong phiên họp lần thứ 9, hồ sơ Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO chính thức được khuyến nghị xem xét cùng 36 đại diện khác để tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 27/11/2014, hồ sơ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được các quốc gia thành viên thông qua.












Sự chuyển đổi chức năng từ thực hành lao động sang sinh hoạt giải trí cộng đồng làm Ví, Giặm có sức sống mạnh mẽ






Là người tham gia nhận xét về bộ hồ sơ ví dặm Nghệ Tĩnh, ở Hội đồng Di sản Quốc gia với tư cách người làm âm nhạc, PGS. TS Đặng Hoành Loan chia sẻ: Ví, Giặm là hình thức diễn xướng dân gian được người dân Nghệ Tĩnh gìn giữ trao chuyền nguyên bản tới tận ngày nay. Đặc biệt, di sản phi vật thể đại diện của nhân loại này vẫn có sức sống trong xã hội hiện đại. Ở những vùng mang dấu ấn di sản, trong sinh hoạt gia đình, trong lao động sản xuất, trong lúc nghỉ ngơi... bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu những làn điệu Ví, Giặm vẫn ngân vang. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ví dặm không bị mai một như các nghệ thuật cổ truyền khác.



Theo PGS. TS Đặng Hoành Loan, trong quá trình lịch sử, Ví, Giặm đã tự giải phóng mình khỏi môi trường thực hành lao động. Điều này không thấy nhiều ở các nghệ thuật truyền thống khác. Và đó là nguyên nhân chính đẻ Ví, Giặm phát triển rộng rãi, đồng nhất trong suốt chiều dài lịch sử xã hội. Cụ thể, nếu như trước kia chỉ đi cấy hát phường cấy, làm vải hát phường vải, đi đò hát phường đò, đi buôn hát cà kê... thì qua quá trình biến đổi, cộng đồng không bị bó hẹp bởi ngoại cảnh này nữa.



PGS. TS Đặng Hoành Loan khẳng định: “Sự chuyển đổi chức năng từ thực hành lao động sang sinh hoạt giải trí cộng đồng ấy làm Ví, Giặm có sức sống mạnh mẽ dẫu xã hội đã trải bao phen biến loạn. Bên cạnh đó, vì gắn bó mật thiết với cộng đồng, nên các lời ca Ví, Giặm cũng là lời kể từ quá khứ của dân tộc Việt. Ví như những ngày đầu khởi nghĩa, những cuộc kháng chiến trường kỳ, công cuộc xây dựng hòa bình... đều phản ánh trong dân ca Ví, Giặm".



Theo thống kê năm 2013, ở Việt Nam, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện vẫn còn 260 làng có thực hành dân ca Ví, Giặm, có 75 nhóm dân ca ví dặm đang hoạt động với trên 1.500 thành viên. Qua tìm hiểu và nghiên cứu về tính chất và môi trường không gian diễn xướng dân ca Hò - Ví - Giặm các nhà nghiên cứu tìm thấy các đặc trưng diễn xướng của Ví, Giặm Nghệ Tĩnh: Hát gắn với không gian và môi trường lao động; hát mang tính du hý vào những dịp hội hè, tết nhất, đình đám, thi thố tài năng; tính giao duyên giữa những lứa đôi trai gái; tính tự tình, nghĩa là mượn câu hát để bộc lộ nội tâm; tính tự sự, dùng hình thức kể vè để thuật lại những sự việc xảy ra; tính chất tâm linh; tính giáo huấn; tính hành nghề (mưu sinh) đối với các phường trò chuyên nghiệp hoá; tính đa dùng.



Các tác phẩm Ví, Giặm tiêu biểu có thể kể tới như: Giận mà thương, Hát khuyên, Đại thạch, Tứ hoa, Xẩm thương, Xẩm chợ, Một nắng hai sương, Tình sâu nghĩa nặng, Em giữ lời nguyền, Khóc cha, Cuộc đời nổi trôi, Ai cứu chàng, Con cóc, xoay xở, Lập lờ, Lập loè, Đi rao, Đèo bòng, Khen thầy tài, To gan, Uất ức, Bướm say hoa, Chồng chềnh, Lòng vả lòng sung, Vào hội Đông Xuân, Đứng thẳng người lên, Gốc lúa quầng trăng, Cha ơi ngồi dậy mà xem,..

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên... Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh và là phương tiện nghệ thuật để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.



<em style="border: 0px; ">Các liên hoan dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ liên tục được tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức.[/I]



Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam kiểm kê với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào 2012. Việc Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc đặc biệt này, đồng thời sẽ giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể này.



Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng mọi tiêu chí để đăng ký vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO.

Trên thực tế, trong số các hồ sơ được đưa ra đánh giá, hồ sơ Dân ca Ví, Giặm của Việt Nam giành được sự ủng hộ tuyệt đối của Hội đồng giám khảo, không phải chỉnh sửa chữ nào. Trong khi, có hồ sơ trình đến lần thứ ba, Hội đồng giám khảo sửa từng câu, từng chữ nhưng sau đó vẫn không được thông qua.

Khó có thể diễn tả được giây phút chờ đợi hồi hộp đến nghẹn thở của các thành viên trong đoàn Việt Nam, các bác Việt kiều và nhóm phóng viên theo dõi.



<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px none;">Hồi hộp chờ đợi..[/I]

Khi tiếng búa trên tay của ông Chủ tịch Jose Manuel Rodriguez Cuadoros vang lên xác nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được vinh danh, tất cả đứng bật dậy hò reo vui mừng sung sướng, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong hội trường chính của UNESCO. Cả hội trường với khoảng 800 đại biểu đồng loạt vỗ tay chúc mừng đoàn Việt Nam. Một số đoàn các nước cũng sang bắt tay chúc mừng các thành viên đoàn Việt Nam.



<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px none;">…Niềm vui vỡ òa.[/I]

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðặng Thị Bích Liên phát biểu: “Từ nay, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã trở thành tài sản văn hóa của nhân loại, Việt Nam cam kết thực hiện chương trình hành động nhằm bảo tồn sức sống của Dân ca Ví, Giặm. Việt Nam có những chính sách vinh danh các nghệ nhân để trao truyền, thực hành, giáo dục thế hệ trẻ để di sản mãi trường tồn, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Bà Ðặng Thị Bích Liên gửi lời cảm ơn các chuyên gia của Hội đồng thẩm định, Ủy ban Liên Chính phủ, Ban thư ký và các quốc gia thành viên đã đánh giá cao di sản Dân ca Ví, Giặm và đưa ra quyết định quan trọng này.



<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px none;">Đoàn Việt Nam.[/I]

Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vui mừng cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng và xúc động khi UNESCO vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự và tự hào của mọi người dân Việt Nam và đặc biệt là người dân Hà Tĩnh và Nghệ An. Đi kèm với vinh dự cũng là trách nhiệm nặng nề, chúng tôi sẽ đề ra kế hoạch, với nội dung cụ thể để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để mọi người nhận thức sâu sắc về giá trị của di sản, tiếp tục nghiên cứu, truyền dạy thông qua cộng đồng, câu lạc bộ, thi hát dân ca ví, giặm và ban hành chính sách đối với nghệ nhân… để Dân ca Ví, Giặm mãi mãi trường tồn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Thị Lệ Thanh xúc động, cho biết: “Cảm xúc của tôi lúc này hết sức vui mừng và tự hào vì Dân ca Ví, Giặm đã góp phần làm phong phú đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và của nhân loại. Tới đây, chúng tôi phải có chiến lược cụ thể để bảo tồn, phát huy và đặc biệt là truyền dạy cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ để dân ca Ví, Giặm phát triển bền vững trong lòng mọi người dân xứ Nghệ”.

Theo Cục Di sản Văn hóa, việc UNESCO vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cho thấy, thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc đặc biệt của Việt Nam, đồng thời sẽ giúp cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể này.


KHẢI HOÀN VÀ ĐÌNH TUẤN

THEO BÁO NHÂN DÂN








Theo dulich.vn