Với kỷ lục về độ dài của ba hang trong hệ thống hang động dung nham được phát hiện ở Đăk Nông, Việt Nam đã trở thành quốc gia có 5 hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á. Trước đó là Hang Dơi 1 và 2 ở Đồng Nai giữ vị trí đứng đầu.



Ngày 26/12, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã họp báo công bố kết quả phát hiện hang động tại tỉnh Đăk Nông. Trong đó ba hang C7, C3, A1 đã xác lập kỷ lục về độ dài hang dung nham lớn thứ nhất, thứ nhì và thứ năm khu vực Đông Nam Á.



Từ năm 2007, với sự tài trợ của UNESCO, Bảo tàng Địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông, Tây Nguyên, Việt Nam". Trong quá trình khảo sát, lần đầu tiên giới khoa học phát hiện hang động núi lửa trong đá bazan ở Chư B’Luck, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô.









Vị trí miệng núi lửa Chư K'luk và các hang động có tên dự kiến từ B1 đến B3 và C1 đến C7 trên ảnh vệ tinh. <em style="margin: 0px; padding: 0px;">Ảnh do Tổng Cục địa chất khoáng sản cung cấp.[/I]





Phát hiện trên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản. Tiến sĩ Hiroshi Tachihara, Chủ tịch danh dự Hiệp hội này và người kế nhiệm, tiến sĩ Tsutomu Honda, Chủ tịch Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản, đã đến Việt Nam để cùng hợp tác nghiên cứu, khảo sát và đánh giá hệ thống hang động ở Đăk Nông.

"Điều này khiến chúng tôi rất ngạc nhiên, vì ban đầu chúng tôi không nghĩ Việt Nam có hoạt động núi lửa", ông Hiroshi Tachihara nói.

Kế hoạch về một cuộc điều tra thám hiểm được đưa ra vì theo đánh giá của các nhà khoa học Nhật Bản, đây là hệ thống hang động dung nham đẹp hơn rất nhiều so với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, mãi đến năm 2012, nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội hang động Nhật Bản hợp tác với Bảo tàng địa chất Việt Nam, cùng sự trợ giúp của tỉnh Đăk Nông mới bắt đầu khảo sát nghiên cứu hệ thống hang động núi lửa đặc biệt trên.

Những năm tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã có được kết quả ban đầu về dòng dung nham hình thành nên các hang động núi lửa ở Tây Nguyên, trong đó có khu vực Dray Sap. "Dòng dung nham có độ nhớt thấp, phun trào từ miệng núi lửa Chư K'luk đã hình thành một khu vực cao nguyên đá bazan rộng lớn. Đặc biệt, dòng dung nham bazan ở khu vực thác Dray Sap đã tạo nên một hang dạng ống làm biến đổi địa hình và đây là hang bazan dài nhất ở khu vực Đông Nam Á", ông Tsutomu Honda nói và cho biết việc phát hiện này ngoài mang giá trị khoa học thì còn có giá trị lớn về du lịch.

Theo mô tả của ông, ban đầu dòng dung nham tràn từ miệng núi lửa. Sau đó, bề mặt của nó nguội lạnh dần và tạo thành ống dung nham đông cứng ở ngoài vỏ, còn phía trong ống dung nham nóng vẫn tiếp tục chảy. Khi dòng dung nham ban đầu phun trào thoát ra miệng núi lửa sẽ tạo thành một ống dung nham, còn miệng núi lửa trở thành một hố hang.









Dấu vết về dòng dung nham còn lưu lại trên thành hang C7. <em style="margin: 0px; padding: 0px;">Ảnh do Tổng cục địa chất cung cấp.[/I]





Trong hệ thống gồm hàng chục hang, nhóm nhà khoa học mới nghiên cứu khảo sát chi tiết được 3 hang có ký hiệu là C7, C3, A1. Các hang này có đặc điểm chung là lòng hang dạng ống, có thạch nhũ dung nham, các tàng nham thạch giống như sợi dây và phân thành nhiều nhách. Trong đó C7 là hang núi lửa dạng ống với chiều dài hơn một km và đây là hang dung nham lớn nhất Đông Nam Á.

Để tiếp cận hang C7, ông Tsutomu Honda cho biết, nhóm phải treo người lên những dây thừng từ trên miệng hang để vào trong. Mọi người rất ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều khuôn cây và nham thạch hiện hữu ở bên trong. Bên cạnh đó, còn nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm. "Nền hang C7 rất đẹp, có nhiều hoa văn và trông giống như bề mặt dòng dung nham. Trong hang còn có nhiều thạch nhũ và các nhánh khác nhau", ông Tsutomu Honda nói.

Sau đó, nhóm tiếp tục khảo sát đến hang C3 có chiều dài 594,4 mét. Theo miêu tả của ông Tsutomu Honda thì hang có hình dạng ống, các nham thạch và dung nham rất mịn, dòng chảy đều, đẹp. Trên thành hang có nhiều di tích, nhất là sự xuất hiện của hóa thạch khuôn cây, cho thấy sự hiện diện của một khu rừng khi núi lửa phun trào và dung nham chảy ra. Dòng dung nham bám quanh và đông cứng lại xung quanh cây, sau đó cây biến mất đã để lại khuôn.

A1 là hang thứ 3 được nghiên cứu khảo sát chi tiết. Hang này dài 456,7 mét với dòng nham trong lòng hang lồi lên và được nhà khoa học so sánh giống như một con đê.

Với kết quả trên, theo ông Tsutomu, Việt Nam có 5 kỷ lục đầu tiên về hang động dung nham ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, C7 là hang dung nham dạng ống dài nhất Đông Nam Á; C3 giữ ví trí thứ hai; còn A1 ở vị trí thứ 5 về độ dài. Vị trí thứ 3 và thứ 4 thuộc về Hang dơi 1 và 2 (dài 545 m) ở Đồng Nai. Hang Gua Lawah ở Indonesia xếp vị trí thứ 6 với chiều dài 400 m.









Một loài ếch được phát hiện trong hang C7. <em style="margin: 0px; padding: 0px;">Ảnh do Tổng cục địa chất cung cấp.[/I]





Theo nhóm nghiên cứu thì ngay từ ngày mai (27/12), họ sẽ tiếp tục khảo sát các hang động nhóm B và C (C1, C2, C4, C5, C6, C8).

Ông La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng địa chất cho biết, Bảo tàng và Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản sẽ cùng hợp tác khảo sát chi tiết, đo đạc các thông số hang động, đặc điểm phân bố, cũng như cơ chế thành tạo của hang, đồng thời đánh giá tổng thể giá trị liên quan tới hệ thống hang động này.

Nhóm cũng sẽ khảo sát chi tiết các hang động núi lửa khác nhau ở gần khu vực miệng núi lửa Chư B'luk, đo vẽ chính xác hệ thống hang động núi lửa ở khu vực Krông Nô để xác định đặc điểm phân bố hang núi lửa. Bên cạnh đó, nhóm sẽ khảo sát và nghiên cứu các sản phẩm bên trong của dòng dung nham, bên trong hang như di tích động vật và những di sản liên quan đến hang động (di tích khảo cổ, đa dạng sinh học) cũng như cơ chế sinh thành ra chúng.

Để bảo tồn, quản lý và khai thác hợp lý hiệu quả các di sản thiên nhiên, Bảo tàng Địa chất đã đề xuất đề án "Điều tra đánh gia di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đăk Lăk".

Về vấn đề này, theo ông Trần Phương, Phó bí thư Tỉnh uỷ Đăk Nông, việc phát hiện, tiến hành điều tra, khảo sát xây dựng khu vực Krông Nô trở thành công viên địa chất quốc gia có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực Nam Tây Nguyên.

Vì vậy, tỉnh Đăk Nông đã giao cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp Bảo tàng Địa chất Việt Nam triển khai đề án trên để báo cáo Thủ tướng và bộ ngành liên quan nhằm xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô ở cấp quốc gia, hướng đến đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Tỉnh sẽ bổ sung hệ thống hang động khu vực Krông Nô vào quy hoạch phát triển du lịch.

"Chúng ta đã biết đến Đăk Nông là 'vương quốc Bauxite' và hôm nay chúng ta lại biết đến Đăk Nông với hệ thống hang động núi lửa độc đáo, huyền bí", ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất khoáng sản nói.




Hang dung nham là hang động được hình thành trong quá trình kiến tạo của núi lửa. Hang động dung nham được tạo ra khi bề mặt dòng dung nham nguội đi và tạo thành một lớp vỏ cứng, trong khi dung nham bên trong vẫn còn nóng và lỏng dưới lớp vỏ này vẫn chảy do nhiều lý do khác nhau. Quá trình này tạo ra các đoạn hang động hình ống điển hình gần bề mặt và chỉ được biết đến khi miệng hang sụp đổ.




<strong style="margin: 0px; padding: 0px;">Hương Thu/Vnexpress.net[/B]

Theo dulich.vn