Sự bất ngờ ấy càng tăng lên khi các bạn sinh viên Âu Mỹ xung quanh tôi rất tự nhiên gắp bánh phở, thịt bò, gà hoặc tôm (tôi cũng không hiểu tại sao tôm lại có thể đi cùng với phở?!), hành tây cho vào chén của mình và đưa cho đầu bếp trực tiếp nấu thành chén phở nóng hổi.



Đứng nhìn các bạn phát âm bập bẹ chữ “phở” thành “po, po” í ới rủ nhau cùng ăn, bỗng nhiên tôi thấy cảm động và tự hào quá chừng, như một phần đất nước mình đang ở rất gần. Hỏi ra mới biết phở là món ăn bắt buộc trong thực đơn ở đây, cứ 12 ngày sẽ có một ngày có món phở.



Không bỏ lỡ cơ hội, tôi lập tức chọn bánh phở, thịt bò và háo hức đưa ngay cho người nấu trong quầy. Vui vẻ tới mức khi bác đưa chén phở cho tôi, tôi hít hà hương vị phở quen thuộc rồi buột miệng nói luôn: “Cảm ơn bác!”. Ngay lập tức, bác cũng tròn mắt, ngạc nhiên không kém, hỏi luôn bằng tiếng Việt: “Con là người Việt Nam à?”.






Thì ra dù sinh viên Việt Nam tại Notre Dame University chỉ đếm trên đầu ngón tay, khu vực bang Indiana cũng rất ít người Việt nhưng nhà ăn này lại có đến trên dưới 30 người Việt Nam đang làm việc. Ngay lập tức, các cô chú lần lượt tới tay bắt mặt mừng với chúng tôi.



Một cô tới cho đôi đũa, chú khác chỉ chỗ lấy nước tương, có cô còn mang cả nước mắm mang theo ăn trưa cho chúng tôi, những thứ thật khó tìm ở một nhà ăn rất Tây tại Mỹ như thế này. Nhận quà của các cô chú mà lòng đứa nào cũng thấy rưng rưng, tự nhiên thấy chén phở Notre Dame sao mà ngon!



Phở ở Notre Dame có thể lai Tây, có thể không đậm đà vì thiếu ngò gai, húng quế như ở nhà nhưng nhờ phở mà chúng tôi đã gặp lại cả quê hương, gặp lại tiếng Việt thân thương, hỏi làm sao mà không quý, không yêu, nhất là trong những ngày năm cũ vừa qua, "tết mình" vừa chạm ngõ như thế này…






ĐOÀN BẢO CHÂU

(Thành viên chương trình ngắn hạn UIELSP tại Notre Dame University)


Theo dulich.vn