Dana tìm hiểu văn hóa chùa Linh Sơn-TP Đà Lạt


Với thế mạnh viết lách, cô ước mơ một ngày nào đó được kể câu chuyện về VN trên những trang sách và được nhiều người khắp thế giới tìm đọc.



Cơ hội



Ước mơ này bất ngờ trở thành hiện thực khi một nhà xuất bản sách du lịch lớn ở Mỹ đặt hàng cô viết một quyển sách về du lịch VN dày 500 trang.

Người may mắn trên là Dana Filek Gibson, thường được bạn bè gọi với nickname dễ thương là Bé Na vì cô trông khá trẻ và nhỏ nhắn. Bé Na nói tiếng Việt khá trôi chảy, chạy xe máy giỏi, đặc biệt rất yêu thích những món ăn đường phố của VN.



Cơ hội viết sách đến với cô khá tình cờ. Một ngày tháng 6, thông qua sự giới thiệu của một người bạn, Dana tình cờ biết được bản tin đăng tìm cây bút viết về du lịch Việt Nam của Moon Travel Guides - nhà xuất bản sách du lịch hàng đầu cho người dân ở Mỹ. Cô chớp ngay cơ hội nộp đơn dự tuyển và khấp khởi hi vọng. Hai ngày sau đó, biên tập viên phụ trách của nhà xuất bản gọi điện phỏng vấn cô, và yêu cầu cô phác thảo đề cương những điểm du lịch muốn đề cập trong sách.



Càng đi càng yêu VN



Vì phải hoàn tất quyển sách đúng thời hạn mà nhà xuất bản giao vào tháng 3-2014, Dana hầu như phải làm việc hằng ngày. Mỗi ngày cô thức dậy vào 7g sáng và đi ngủ lúc 12g khuya. Để tìm hiểu các quán ăn, khách sạn, thông tin lịch sử về những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch ở VN, cô đóng vai làm khách du lịch bình thường và tỉ mẩn ghi chép thông tin trong quyển sổ tay luôn mang theo bên mình.



Trước khi xách balô đến một tỉnh thành nào đó, cô dành nhiều buổi tra cứu thông tin về nơi đó. Theo cô, tìm thông tin về những địa điểm du lịch ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM khá dễ dàng bằng cách tra cứu trên Internet hay hỏi các hướng dẫn viên du lịch có kinh nghiệm, nhưng đối với các tỉnh thành nhỏ hơn và ít người biết, cô thường hỏi thêm thông tin từ bạn bè và người dân địa phương.



Dana cho biết dù công việc tra cứu thông tin mất rất nhiều thời gian nhưng cô cảm thấy hứng thú vì được biết thêm nhiều điều về lịch sử và văn hóa VN. Cô kể khi đến TP.HCM lần đầu vào năm 2010, cô rất ấn tượng với dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành... dù cô chỉ đi ngang những nơi này. Nhưng khi viết sách và nghiên cứu về những địa danh trên, cô cảm thấy lịch sử VN vô cùng thú vị.



Dana nói cô rất thích tìm hiểu lịch sử Côn Đảo vì theo cô, lịch sử nơi này rất quan trọng với người Việt. Thành phố biển cô yêu thích nhất là Đà Nẵng và vùng miền núi cô ấn tượng nhất là Tây Bắc. Dana còn hóm hỉnh nói cô cũng rất yêu người Việt. “Tôi ở VN lâu rồi và đã nói chuyện với nhiều người Việt ở Sài Gòn, Hà Nội và Đà Nẵng. Tôi nhận ra người Việt sống rất tình cảm và tử tế” - cô nhận xét.



Cô cho biết sự thân thiện và mến khách của người Việt giành được rất nhiều thiện cảm của du khách nước ngoài. Cô kể có lần cô cùng nhiều người bạn nước ngoài đạp xe từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ và từ Điện Biên Phủ lên Sa Pa, nhiều người địa phương niềm nở chào đón đoàn khiến ai cũng cảm thấy như thể là một thành viên trong gia đình của người dân nơi đây. Và đối với cô gái trẻ này, sự tử tế và hiếu khách của người Việt không chỉ dừng lại trên những cung đường Tây Bắc...



Từ lá thư năm 1964 đến chuyện “chặt chém”



Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Dana trong quá trình viết sách là lần thuê xe đạp đi tìm hiểu chùa Hang của người Khmer ở tỉnh Trà Vinh. Khi đó có một ông lão người địa phương khoảng 70 tuổi nói tiếng Anh rất giỏi chủ động bắt chuyện và hỗ trợ cô.



Ông kể cho cô nhiều câu chuyện thú vị về các cổ vật, các khu du lịch và di tích ở Trà Vinh, trong đó có chùa Hang. Trước khi tạm biệt, ông cho cô xem bức thư viết tay đã nhàu cũ mà một du khách người Mỹ gửi ông cách đây gần 50 năm.



Trong thư ghi rằng trong một thị trấn mà không nhiều người biết tiếng Anh, thì người này (ông lão)nói tiếng Anh giỏi, là một người tốt và trung thực. Khách du lịch nên tìm đến ông để được hỗ trợ và giúp đỡ. Cuối thư có kèm chữ ký của người viết vào năm 1964.



Dana cho biết lợi thế du lịch lớn nhất của VN chính là văn hóa hiếu khách của người địa phương, nhưng cô cũng thẳng thắn nhận xét trở ngại lớn nhất của du lịch Việt là nạn “chặt chém” du khách nước ngoài. “Nếu một món hàng trị giá 10.000 đồng mà bán cho người nước ngoài với giá 12.000 đồng thì có thể chấp nhận. Nhưng nếu bán với giá 20.000 đồng hay 30.000 đồng thì không công bằng. Khách du lịch chắc chắn sẽ không quay trở lại nữa”.



Trong quyển sách của mình, Dana cung cấp những kinh nghiệm giúp du khách có thể tránh bị “chặt chém” như luôn hỏi giá trước khi mua quà lưu niệm hoặc thức ăn. Nếu đi chợ và thấy có những cửa hàng bán sản phẩm giống nhau thì hãy trả giá và chọn cửa hàng nào bán rẻ nhất.



Cô hi vọng quyển sách của mình sẽ trở thành một kim chỉ nam dẫn đường cho khách du lịch đến VN, đặc biệt là du khách đến từ Mỹ. Cô mong muốn giới thiệu cho họ những thông tin hữu ích nhất về các quán ăn vừa ý, nơi ở lý tưởng, di chuyển ra sao cho tiện lợi và các địa chỉ tham quan cần phải đến.



Dana bẽn lẽn cười khi chúng tôi hỏi cô có sợ cạnh tranh với sách du lịch Lonely Planet đã quá nổi tiếng với khách du lịch thập phương? Cô cho biết chỉ hi vọng những thông tin mình viết sẽ cung cấp cho du khách thêm nhiều lựa chọn.



“Đa số du khách Tây không thích đi tour bởi theo họ nếu đi tour không thể khám phá và trải nghiệm văn hóa VN thật. Do vậy nếu tất cả mọi người đều đọc Lonely Planet và đều đi đến những nơi được giới thiệu trong sách, thì những nơi đó sẽ trở nên đông đúc và mất đi vẻ đẹp hoang sơ” - cô cười tươi chia sẻ và tự tin quyển sách của mình sẽ thu hút được lượng bạn đọc riêng.



Ngay sau khi tốt nghiệp khoa viết văn và xuất bản ở Trường ĐH Emerson, TP Boston, tiểu bang Massachusetts (Mỹ) vào năm 2010, Dana chọn VN là điểm đến để khám phá và tìm hiểu về văn hóa châu Á.



Thời gian đầu, cô đi dạy tiếng Anh tại các trung tâm tiếng Anh ở TP.HCM. Cô bảo rất thích dạy tiếng Anh cho trẻ em nhưng đam mê viết lách lại lớn hơn. Năm 2012, cô được mời phụ trách chuyên mục Odd One Out của tạp chí Asia Life. Trong chuyên mục này, Dana thường viết bài chia sẻ kinh nghiệm sống ở VN cho cộng đồng người nước ngoài như bí quyết kiếm việc làm hoặc lái xe máy như thế nào cho an toàn. Cô cũng hay tìm tòi và giới thiệu những nét văn hóa thú vị của người Việt, chẳng hạn như cuộc thi Hoa hậu gà ở huyện Hóc Môn.



Cô gái trẻ cho biết sau khi hoàn thành quyển sách này, cô sẽ ở lại VN và tiếp tục viết về Sài Gòn, nơi đầu tiên cho cô nhiều cảm xúc về VN và chắp cánh niềm đam mê viết lách của cô và cũng là “ngôi nhà” thân quen của cô trong ba năm ở đây. Với Dana, hai tiếng VN đã thật sự in sâu vào tâm trí như cô từng lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với người viết: “Càng nghiên cứu và khám phá VN, tôi càng thấy yêu VN và nhận ra VN là một phần quan trọng trong cuộc đời mình”.




Theo Báo tuổi trẻ

Theo dulich.vn