Hiện nay nguồn vốn nhà nước đầu tư vào các cảng hàng không chỉ chiếm 12%...



Cảng hàng không Phú Quốc do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư vốn 100% cả khu vực nhà ga lẫn đường băng, nên theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh thì sân bay Phú Quốc có thể bán được cho tư nhân.







Tại cuộc họp bàn về công tác xã hội hoá đầu tư hạ tầng giao thông ngày 28/10, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, hiện nay nguồn vốn nhà nước đầu tư vào các cảng hàng không chỉ chiếm 12%, còn lại là vốn của ACV và vốn ODA. Chỉ có một số hạng mục nhỏ lẻ được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.



Với thực tế đó, Chủ tịch ACV Nguyễn Nguyên Hùng cho rằng, việc xã hội hóa ở khu vực nhà ga tại các cảng hàng không sẽ không gặp khó khăn. Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở khu vực đường băng bởi hầu hết tại các cảng hàng không, hạng mục này đang dùng chung với các hoạt động quân sự.



Trong khi đó, theo đánh giá của Cục trưởng Lại Xuân Thanh, sân bay Phú Quốc được xây dựng chủ yếu bằng vốn của ACV, nên việc bán quyền khai thác cho nhà đầu tư là có cơ sở và tính khả thi cao.



Cục Hàng không cho hay, sân bay Phú Quốc được xây dựng với số vốn khoảng 3.000 tỷ đồng, chính thức được đưa vào khai thác cuối 2012. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên được đầu tư bằng nguồn vốn của ACV.



Sân bay này đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Thế giới (ICAO) và có thể tiếp nhận được các loại máy bay tầm xa, thân rộng như Boeing 777-300, Boeing 747-400 và Airbus A380-800.



Dự kiến đến năm 2020 sân bay Phú Quốc sẽ đạt công suất 2,65 triệu khách/năm và sau năm 2030 đạt công suất 7 triệu khách/năm.



Từ đầu năm đến nay, lượng hành khách và hàng hóa thông qua sân bay Phú Quốc tăng cao. Tám tháng đầu năm 2014, sân bay Phú Quốc đã đón 5.632 lượt chuyến bay, phục vụ hơn 666.000 lượt hành khách, bằng 97,3% lượng hành khách của cả năm 2013, và đạt 90% kế hoạch của năm 2014. Vào ngày cao điểm, sân bay phục vụ 40 lượt chuyến bay với 4.600 lượt hành khách.



Dự kiến, năm 2014, lượng hành khách thông qua sân bay Phú Quốc sẽ đạt 1 triệu lượt khách, tăng 45% so với năm 2013.



Hiện tại, có ba hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific đang khai thác các đường bay nội địa từ Phú Quốc đi Hà Nội, Cần Thơ, Tp.HCM và ngược lại. Đường bay quốc tế đến Phú Quốc mới chỉ có hãng hàng không IKAR đưa khách từ Nga đến với tần suất một chuyến mỗi tuần và một số chuyến bay thuê bao chở khách đến Phú Quốc.



Vào tháng 11, Vietnam Airlines sẽ mở hai đường bay quốc tế mới đến Phú Quốc; trong đó đường bay Phú Quốc - Singapore sẽ được khai thác từ ngày 2-11, với tần suất 2 chuyến/tuần bằng máy bay A321. Còn đường bay Phú Quốc - Siêm Riệp sẽ được khai thác từ ngày 18-12 với 3 chuyến mỗi tuần bằng máy bay ATR 72.



Nói về tầm quan trọng của việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải xã hội hóa từ việc đào tạo con người đến các khu vực trên không. Đối với khu vực mặt đất cũng tiến hành xã hội hóa nhưng phải xem ở mức độ nào phù hợp để đảm bảo an ninh quốc phòng.



Trong một diễn biến liên quan, mới đây, hai tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) và Tổng công ty Phát triển đường cao tốc (VEC) cũng đã lên kế hoạch bán quyền thu phí của 6 tuyến cao tốc lớn của Việt Nam cho các nhà đâu tư trong và ngoài nước, bao gồm: Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai, Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành với giá trị thu về dự kiến khoảng 6 tỷ USD.



Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế và dư luận, các công trình hạ tầng lớn về giao thông nói trên, bao gồm cả sân bay lẫn đường bộ là những công trình quốc gia, được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Do đó, quyết định bán những công trình này không thể thuộc quyền của bộ chủ quản hay các doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư.



Theo NGÔ HUYỀN/VNECONOMY

Theo dulich.vn