"Một khi Sơn Đoòng bị tổn hại thì không chỉ Sơn Đoòng mà toàn ngành Du lịch VN sẽ mất đi vị thế trên bản đồ du lịch thế giới".

Đó là khẳng định của PGS. TS. Tạ Hòa Phương - Khoa Địa chất, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Chủ tịch hội Cố sinh – Địa tầng Việt Nam với Đất Việt, trước dự án xây dựng tuyến cáp treo xuyên hang Sơn Đoòng.

Hệ sinh thái đặc biệt rất dễ tổn thương

Bày tỏ thẳng thắn quan điểm, ông Phương cho rằng, di sản thiên nhiên thế giới là nơi cần được bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm mọi hoạt động của con người làm ảnh hưởng xấu tới môi trường thiên nhiên.

Một dự án cáp treo dự định thực hiện trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có thể đưa một số lượng gấp bội du khách đến với Di sản thiên nhiên thế giới này chắc chắn không khỏi ảnh hưởng lớn tới môi trường, đặc biệt là đối với những nơi nhạy cảm như hang Sơn Đoòng.

Ông Phương nhấn mạnh: "Khách du lịch nói chung, khách du lịch Việt Nam nói riêng, không phải đều có ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường. Tiếng động cơ máy nổ trên công trường xây dựng, lượng rác thải sinh hoạt khó kiểm soát như đã được thấy ở các nơi vận hành cáp treo khác và sự tương tác giữa các ga cáp treo với nền địa chất yếu tại khu vực mái các hang động lớn không chỉ khiến chúng yếu hơn, mà còn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường cho con người".Đặc biệt, theo ông Phương, nếu như làm tuyến cáp treo ở xa ngoài điểm cuối hang thì tất nhiên sẽ không bị phản đối. Nên ông rất băn khoăn, không biết là chủ đầu tư làm với mục đích gì? Mục đích đến với Sơn Đoòng để ngắm nhìn vẻ đẹp, bỏ số tiền lên tới hàng triệu mà không thưởng thức được, chỉ được xem những thứ không đáng xem, thì ai chấp nhận? Nếu vào vị trí này thì du khách nên đi các hang khác, giả dụ như hang Vòm đẹp gấp 10 lần đoạn này.









Những “cánh đồng đẻ trứng” có bờ là những gờ thạch nhũ mỏng manh. (Ảnh: PGS.TS Tạ Hòa Phương cung cấp)





Đặc biệt, là người nghiên cứu sâu sắc về cấu tạo cũng như địa tầng của hang động này, theo ông Phương, biết là cáp treo hiện nay được sử dụng khá phổ biến trên thế giới, nhưng không áp dụng đối với khám phá hang động. Bởi hang động, đặc biệt những hang lớn như Sơn Đoòng có hệ sinh thái đặc biệt, rất dễ bị tổn thương bởi sự thăm viếng vượt quá sức chịu tải của nó.

Ông Phương chỉ rõ: "Có những thành tố kiến tạo địa chất quý giá, mà thiên nhiên phải mất hàng triệu năm mới tạo ra được trong hang Sơn Đòng, có nguy cơ bị phá hủy và biến mất rất cao. Như:



Một là, bờ ngăn mỏng và dựng đứng bằng chất CaCO3, tạo nên rất nhiều ngăn lớn nhỏ khác nhau, có chỗ trông như ruộng bậc thang, có chỗ như những ngăn đựng ngọc động (cave pearl) quý giá. Đây là một trong những quà tặng của thiên nhiên cho con người, nhưng khi du khách vào nhiều chắc chắn sẽ bị phá hủy.

Hiện nay tuy lượng khách vào hạn chế, nhưng cũng có chỗ các bờ ngăn bị bàn chân con người mài mòn. Tại động Ngườm Ngao ở Cao Bằng, chỉ sau một số năm khai thác du lịch, một diện tích lớn “ruộng bậc thang” tương tự như vậy đã bị phá hủy nghiêm trọng. Nếu Sơn Đoòng có cáp treo đưa du khách vào thăm thì tình hình tương tự chắc chắn cũng sẽ xảy ra.

Hai là, các kết hạch calcit có tên ngọc động (cave pearl) là sản phẩm độc đáo của hang Sơn Đoòng, chúng có nhiều, đa dạng, có kích thước và khối lượng khác nhau, các hang động khác đôi khi cũng có, nhưng ít và không đẹp bằng.

<strong style="">Ba là, [/B]Phytokarst và Biokarst là những hiện tượng karst rất hiếm gặp trong thiên nhiên. Ở Việt Nam mới thấy chúng duy nhất trong hang Sơn Đoòng. Chúng là những cấu trúc mỏng manh của đá vôi, mà sự hình thành của chúng có sự tham gia của tảo, nấm và vi khuẩn. Những cấu trúc quý hiếm này rất dễ bị phá hủy và tàn lụi nếu có nhiều người tham gia du lịch".Hiện nay, dù khai thác hạn chế cho từng nhóm du khách và được các thành viên của Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh rất chú ý bảo vệ, vẫn có một số ngọc động bị thất thoát, tuy không nhiều. Nếu cho khai thác đại trà hang Sơn Đoòng thì việc bảo vệ các viên ngọc động này gần như là không tưởng.

Hơn nữa, hang Sơn Đoòng không chỉ có tầm vóc khổng lồ, mà còn có những đặc điểm kỳ lạ khác thường.

Trước hết, đó là sự có mặt của 2 hố sập, nơi trần hang bị sụp, tạo nên các “giếng trời”. Tại các vị trí đó, ánh sáng mặt trời rọi được xuống, làm phát triển thảm thực vật và cả cánh rừng nhiệt đới đặc biệt, không nơi nào có được. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy tại đáy các hố sập có tới hơn 200 loài thực vật sinh sống. Thành phần loài thực vật ở đây gần như không có sự khác biệt so với thảm thực vật ở phía trên, xung quanh miệng hố.

Thảm thực vật trong hố sập thứ nhất mỏng, chủ yếu là các cây thân thảo và dương xỉ. Các cây thân mộc hiếm hoi và không cao. Thảm thực vật trong hố sập thứ 2 phong phú hơn nhiều, tạo thành một cánh rừng nhiệt đới thực thụ, được gọi là “Vườn Edam”.

Các hóa thạch động vật, san hô quý hiếm

Theo ông Phương, một trong những phát hiện giá trị nhất trong hang Sơn Đoòng lần này là các hóa thạch động vật.

Giá trị nhất, chính là trên đỉnh đồi, ngay gần đoạn cửa ra của hang, có một bộ xương thú hóa thạch độc đáo. Xương cốt hầu như còn nguyên vẹn và được sắp xếp gần như trật tự tự nhiên, nhưng xương sọ thì không còn. Tất cả bộ xương đã bị calcite hóa và gắn chặt vào nền nhũ đá. Xen giữa các xương và ở trên mặt đỉnh đồi có vô số những viên ngọc động tròn vo.









Hóa thạch thú móng guốc trong khúc cuối hang Sơn Đoòng. (Ảnh: PGS.TS Tạ Hòa Phương cung cấp)





Ông Phương cho biết: "TS. Vũ Thế Long, nhà khảo cổ chuyên nghiên cứu động vật có vú cho rằng hóa thạch này thuộc nhóm động vật ăn cỏ, kiểu như hươu, nai hoặc dê. Có điều chắc chắn, niên đại của nó còn rất trẻ".

Một sự đa dạng nữa, theo ông Phương thì trên mặt đá vôi hai bên vách hang nhiều chỗ lộ ra các hóa thạch rất đẹp. Trước hết, đó là hóa thạch Huệ biển (Crinoids) được tìm thấy trên những tảng đá vôi ở đoạn đầu hang, gần khối măng đá (stalagmite) khổng lồ có dạng những trụ đá sừng sững vươn cao, được gọi là “Hand of Dogs” trong sơ đồ hang do National Gepgraphic xây dựng.

Những con vật có hình bông huệ sống dưới biển vào thời kỳ cách nay khoảng 300 triệu năm đã để lại hóa thạch dưới dạng những đốt thân. Các đốt hình tròn, với lỗ thủng giữa có hình dạng khác nhau. Một số đốt còn gắn liền thành chuỗi, màu trắng, nổi bật trên nền đen của đá.











Hóa thạch thân đốt Huệ biển (Crinoids). (Ảnh: PGS.TS Tạ Hòa Phương cung cấp)





Ở phía tây của hố sập thứ nhất có một ngách hang đi xuống. Lối xuống phải đi qua chồng đá sập với những khối tảng to nhỏ khác nhau. Trên mặt một số tảng đá vôi đã thấy chi chít hóa thạch San hô bốn tia (Tetracorals) màu trắng. Nhưng khi đi vào thân chính của ngách hang mới thấy, nơi đó thực sự là một thế giới của san hô.

Đường kính cá thể san hô lớn đến 3-4cm. Chúng bị bào mòn, hiện trên mặt đá với nhiều tiết diện khác nhau, chiều dài có khi đạt trên 10cm. Ngay trên trần hang cũng có thể thấy những dải dày chạt hóa thạch của loại san hô này.

Những sinh vật bé nhỏ vẫn đang tồn tại

Kể về thế giới sinh vật trong hang Sơn Đoòng, ông Phương cho biết: "Ngoài các hóa thạch tìm thấy trong vách đá có niên đại lên đến hàng trăm triệu năm, không thể không nhắc đến những sinh vật bẻ nhỏ đang trú ngụ nơi đây. Đó là những chú tắc kè đá sống trong ánh sáng nhá nhem do các hố sập cung cấp. Ngoài ra cũng còn những con nhện, con cá và những đại diện của ngành Chân khớp có chân dài, dáng hao hao như dế mèn".

Để thấy rằng, dù sao sự có mặt sự sống trong bóng tối vĩnh hằng của hang Sơn Đoòng, dù là những sinh thể nhỏ nhoi, cũng là điều kỳ diệu. Bởi đó là một bằng chứng cho sự thích nghi của sinh giới đối với những điều ngặt nghèo của thiên nhiên.

"Cho tới nay tôi mới thấy phytokarst phát triển duy nhất ở hang Sơn Đoòng, trong ngách hang gần các hố sập số 1 và 2", ông Phương cho hay.

Chính vì vậy, ông Phương nhấn mạnh: "Một khi Sơn Đoòng bị tổn hại thì không chỉ Sơn Đoòng mà toàn ngành du lịch VN sẽ mất đi vị thế trên bản đồ du lịch thế giới. Do vậy, vì lợi ích lâu dài, không nên có tuyến cáp treo dẫn vào hang Sơn Đoòng, dù vào điểm nào của hang. Cần bảo tồn nó như một di sản thiên nhiên đặc biệt, không chỉ của Quảng Bình, Việt Nam mà còn của thế giới nữa".Đặc biệt, theo ông Phương nói thì còn có các rừng tháp đá dựng đứng, xếp xít vào nhau. Mỗi tháp đá có dạng một hình chóp cao, màu trắng, trên đỉnh có một chiếc “mũ” màu xám. Đây cũng là sản phẩm bài tiết của một loại sinh vật nào đó, ví dụ nấm mốc và vi khuẩn. Chiếc “mũ” sản phẩm của chúng đã che chắn, bảo vệ phần trầm tích hang động bên dưới khỏi bị nước từ trần hang nhỏ xuống rửa mòn. Và vì thế, phía dưới các “mũ” sinh vật là rất nhiều cột trầm tích dựng đứng.

Theo báo Đất Việt

Theo dulich.vn