Trông đồng D20









Lúa thời Đông Sơn và tiền Đông Sơn ở Việt Nam đã phát hiện được khá nhiều, cả gạo cháy lần vết in trấu. Một trong số đó đã được các nhà “lúa học” Nhật Bản xác định thuộc phụ loài Oriza Sativa Japonica (Làng Vạc, Nghệ An và An Sơn, Long An).



Nghiên cứu dựa trên phương pháp phân loại hình dạng Tròn/Bầu/Dài do Watabe đề xuất, một số nhà nông học Việt Nam đã nhận thấy lúa dạng bầu (gần dạng lúa nếp) chiếm ưu thế trong thời Đông Sơn và Tiền Đông Sơn ở Việt Nam. Tuy nhiên chưa khi nào chúng ta phát hiện được dấu tích nguyên trạng một phần giạ lúa, gồm cả thân, cọng, hạt và râu như dấu tích để lại trong lòng một chiếc trống đồng Đông Sơn có thể đã phát hiện ở vùng núi miền Trung Việt Nam.









Chi tiết hoa văn trên mặt trống



Đó là chiếc trống có ký hiệu D-20 thuộc sưu tập CQK hiện đang ở California (USA). Trống có đường kính mặt rộng 45,2cm, cao 32 cm. Trên mặt trống, ngoài hình mặt trời 10 cánh phồng búp ở chính giữa và các băng kỷ hà còn có hai băng trang trí đáng chú ý, đó là băng chim mỏ dài và băng hình người hóa trang với mức độ cách điệu cao. Thân và tang trống không trang trí gì. Điều đáng nói nhất là một vùng bên trong lòng trống, phần riềm chân đế in chi chít các hạt thóc còn nguyên cọng, râu, tăm tắp theo một chiều, như thể nguyên trạng một cum lúa được chôn theo người chết. Nhờ một điều kiện ẩm rỉ đặc biệt, các hạt thóc này không bị phân hủy mà được ô xit đồng giữ nguyên trạng cho đến cả những chiếc lông râu li ti trên vỏ trấu. Bước đầu có thể ghi nhận dấu in của trên 200 hạt thóc còn nguyên như vậy. Đây là một sưu tập lúa vô cùng quý hiếm đối với việc nghiên cứu các giống lúa cổ cũng như nền nông nghiệp lúa nương rẫy ở các vùng thung lũng miền núi nước ta cách nay trên 2000 năm.









Vết in lúa trên trống đồng D-20



Nghiên cứu so sánh sơ bộ các vết in này chúng tôi nhận thấy chúng rất gần gũi với lúa nếp nương hiện nay được bảo lưu trong số những nhóm người Hmong trồng lúa ở tỉnh Sơn La. Đó là loại nếp hạt bầu có râu rất dài (trung bình 5-7cm), cọng dai, áo trấu dày, có khả năng bảo tồn tốt.



Đây là lần đầu tiên một sưu tập lúa cổ miền núi được bảo tồn nguyên trạng dưới dạng lớp gỉ đồng và keo đất gắn liền với một trống Đông Sơn cổ có tuổi trên dưới 2000 năm.



TS Nguyễn Việt

Theo dulich.vn