Việt Bắc nơi có núi sông hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nơi hội tụ của nền văn hóa bản địa phong phú.




Tối nay (18/11), tại tỉnh Thái Nguyên diễn ra Lễ khai mạc Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ 6. Đây là hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư phát triển du lịch lớn nhất trong năm của 6 tỉnh vùng Việt Bắc, gồm Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang.







Khung cảnh Việt Bắc tươi đẹp (ảnh: citynews)

Lễ khai mạc Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” được mở đầu ấn tượng bằng những màn biểu diễn của các Đoàn nghệ sỹ vùng Việt Bắc tái hiện các lễ hội và nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương như: Lễ cưới của người Dao ở Bắc Kạn, Lễ Then của người Tày ở Cao Bằng; Lễ hội khèn của người dân tộc Mông (Hà Giang); Lễ hội Lồng tồng ở tỉnh Lạng Sơn; Lễ cầu mùa của người Cao Lan (tỉnh Tuyên Quang) và điệu múa Tắc xình của người Sán Chay (tỉnh Thái Nguyên).



Phát biểu tại Lễ khai mạc, đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Tổng cục Du lịch Việt Nam nêu rõ, Việt Bắc nơi có núi sông hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nơi sinh sống lâu đời của hơn 20 dân tộc anh em, là nơi hội tụ của nền văn hóa bản địa phong phú, đa dạng đậm đà bản sắc dân tộc với những di sản văn hóa vật vô cùng đặc sắc; là cái nôi của cách mạng, Thủ đô kháng chiến năm xưa, là miền đất địa linh nhân kiệt, có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc.

Trong những năm qua, các tỉnh vùng Việt Bắc đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, cùng nhau liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong vùng.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định, phát triển du lịch theo vùng có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh là định hướng lớn nhằm phát triển du lịch trong vùng lãnh thổ phù hợp với đặc điểm, tài nguyên du lịch gắn với đặc trưng của vùng, tạo thành các cụm liên kết phát triển mạnh du lịch.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Để thực sự phát huy được tiềm năng, lợi thế, đặc trưng vùng và sức mạnh liên kết phát triển du lịch Việt Bắc, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị các địa phương trong vùng từng bước lập quy hoạch tổng thể đến thực thi các chương trình phát triển du lịch, xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch mang cấp độ vùng, một cách thực chất và bền vững thông qua sự liên kết toàn diện, có chương trình liên kết cụ thể phù hợp, đặc biệt chú trọng đến khai thác tài nguyên du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch tương xứng với yêu cầu liên kết với các địa bàn trọng điểm du lịch khác đặc biệt là Thủ đô Hà Nội”./.






Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin

Theo dulich.vn