Bến Tre là một tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, được biết đến là quê hương của Cách Mạng Đồng Khởi và cũng là mảnh đất của xứ Dừa. Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Mekong nên Bến Tre sử hữu nhiều kênh rạch, và những vườn dừa bạt ngàn. Ngoài Dừa, Bến Tre cũng có nhiều vườn cây trái nằm rải rác ở nhiều huyện thị, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Chợ Lách và Châu Thành. Tới Bến Tre bạn nên tham gia các hoạt động du lịch sinh thái, lưu trú tại gia đình người dân địa phương, tận hưởng không khí trong lành.

Diện tích Tỉnh Bến Tre cũng không lớn, do đó chỉ cần 1 ngày hoặc 2 ngày là bạn có thể thăm quan hết các điểm du lịch trong tỉnh. Thông thường thì bạn nên kết hợp du lịch Tiền Giang và Bến Tre luôn. Thời gian có thể là đi 2 hoặc 3 ngày cuối tuần. Dưới đây là một số thông tin về Du lich Ben Tre, cũng như một số kinh nghiệm hữu ích được Tôi Đi tổng hợp.

Đi Bến Tre như thế nào?

Từ Sài Gòn tới Bến Tre khoảng 1,5 tiếng tới 2 tiếng chạy xe ô tô. Đi theo đường cao tốc hết khoảng 1,5 giờ. Một số hãng xe khách đi Bến Tre từ Sài Gòn.

Nhà xe Hồng Phượng. Lịch trình : Sài Gòn – Bến Tre – Ba Tri – Cảng Tiệm Tôm. Giờ xuất bến Sài Gòn : 7h-10h-12h-15h Ba Tri 5h-7h-12h-15h. Liên hệ đặt chỗ: 08.39613794 – 0913 965242 – 075 3857785

Nhà xe Thảo Châu: Chạy tuyến Sài Gòn – Bến Tre, có các loại xe loại 15 chỗ và 29 chỗ.

Tại Sài Gòn: đón trả khách tại trạm 182 Sư Vạn Hạnh phường 9 Quận 5 (gần tới đường Trần Phú) và quầy vé 16 bến xe miền Tây. Điện thoại 08.3835.1917 – 38339954, di động 0903.337.600. Giờ khởi hành tại trạm:5h-6h-7h-7h30-8h30-9h30.
Tại Bến Tre: 122A Nguyễn Thị Định-Phú Tân – TP Bến Tre. Điện thoại (075) 3.837.837 -382.2802 – 381.5565. Giờ khởi hành 3h30-4h-5h-6h30-7h30-8h30-9h30-10h30-11h30-15h30-16h30 – 17h30 – 18h30.

Xe Thịnh Phát: Chạy tuyến Sài Gòn – Bến Tre, Xe loại 15 chỗ, đưa đón tận nơi (có phụ thu).

Tại Sài Gòn: xe khởi hành tại 25A Sư Vạn Hạnh, phường 9 quận 5 (đối diện công viên Hòa Bình-góc ngã tư Hùng Vương-Sư Vạn Hạnh). Xe chạy từ 5h sáng tới 18h30, mỗi tiếng lại có xe chạy. Liên hệ đặt chỗ 08.3830.3042 – 0913.965.050.
Tại Bến Tre: xe khởi hành tại 82A KP2 P.Phú Khương QL60 TX Bến Tre (gần trường trung học Nguyễn Đình Chiểu). Giờ khởi hành 3h30-4h30-5h-6h-7h-8h-9h-10h-11h-12h-12h45-13h30-14h30-15h30-16h30-17h30. Điện thoại (075) 356.1561 – 382.9317 – 382.4862

Chơi gì ở Bến Tre

Về với Bến Tre bạn nên thăm những khu Du lịch Sinh Thái, nơi có nhiều hoạt động giúp bạn khám phá vẻ đẹp sông nước miền Tây, cũng như hòa nhập với thiên nhiên con người Bến Tre. Một trong những khu du lịch sinh thái không thể bỏ qua là:

Khu du lịch sinh thái cồn Thới Sơn, thưởng thức trái cây và đờn ca tài tử, cách làm kẹo dừa.
Cồn Phụng, tìm hiểu về Đạo dừa, tiểu sử của Ông đạo dừa.

Một số gợi ý khi tới Bến Tre

Dạo qua Chợ trái cây vào lúc 17h (đường Hùng Vương) và đi bộ sang bên kia sông trên cây cầu gỗ.
Đến lò kẹo dừa Thanh Long ở Phường Phú Khương xem người ta làm kẹo rồi tranh thủ vài viên kẹo nóng, nó ngon hơn rất nhiều so với kẹo đóng gói. Tuy nhiên, nếu muốn mua làm quà hãy mua kẹo dừa Tuyết Phụng (Gần đài Truyền hình), vì kẹo dừa Mỏ Cày mới là loại ngon nhất.
Khoảng 4h đến 5h sáng hãy thức dậy sớm ra Hồ Trúc Giang để nhìn những người già, em nhỏ tập thể dục buổi sáng. Sau đó ra Chợ Bến Tre hoặc chợ Đầu mối Nông Sản (Phường 8) để cảm nhận 1 ngày nhộn nhịp. Rồi chạy thẳng lên Cầu Bến Tre 1 ngắm Bình Minh.
Đến quán cafe cóc đối diện Nhà hàng Bến Tre nằm đong đưa trên võng mà thưởng thức 1 trái dừa xiêm.
Vào Viện Bảo Tàng để tìm hiểu thêm về lịch sử của Tỉnh Bến Tre, kiến trúc Pháp của Bảo tàng vào ảnh thì khỏi chê.
Nếu ở khách sạn Hàm Luông, buổi tối bạn nên lên sân thượng của Khách sạn Hàm Luông uống cafe và ngắm con đường dọc bờ sông.

Kết hợp Du lịch Bến Tre và Tiền Giang
Du lịch Bến Tre

Thông tin dưới đây được trích lại từ bài viết của An Châu, trên website của tỉnh Bến Tre http://www.bentre.gov.vn/content/view/3531/38/ . Các bạn tới Bến Tre nên đi các điểm: Cồn Phụng, Cồn Quy, Sân Chim Vàm Hồ, Khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu, Vườn Trái Cây.

1. Cồn Phụng, quê hương Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, có nhiều đặc điểm kỳ thú về kiến trúc và một số di tích về các hoạt động của ông Đạo Dừa lúc sinh thời. Toàn bộ diện tích Cồn Phụng rộng 28ha, nổi giữa sông Tiền, thuộc địa bàn xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Nhà Thờ La Mã

Nhà thờ La Mã – photo: Haianh

2. Cồn Quy, rộng 65ha, ở huyện Châu Thành. Có nhiều trái cây ngon và tôm cá. Tại các điểm tham quan du lịch trên cồn này ngoài việc thưởng thức cây trái ngon, thăm thắng cảnh, du khách còn được thưởng thức món “đờn ca tài tử” mang đậm bản sắc vùng sông nước Nam bộ, thật nên thơ và hấp dẫn.

3. Cồn Ốc, một nơi tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn ở xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm. Nơi đây, du khách có thể tận hưởng phong cảnh mát mẻ của miền sông nước, được thưởng thức các món ăn dân dã đặc sắc của Bến Tre và tìm hiểu về cuộc sống, nếp sinh hoạt của người dân địa phương.

4. Sân chim Vàm Hồ, nơi hội tụ sinh sống của nhiều loài chim, cò, vạc ở huyện Ba Tri. Đến Vàm Hồ vào đúng thời điểm các loài chim “giao ca” đi kiếm mồi, du khách sẽ được sống trong cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú, tưởng chừng mình đang đứng ở sân chim Bạc Liêu nổi tiếng của rừng U Minh Hạ.

5. Vườn cây ăn trái Cái Mơn ở huyện Chợ Lách và vùng Tiên Long, Tân Phú của huyện Châu Thành. Khách có thể vừa tận hưởng thú vui khám phá trong vườn cây trái, vừa thưởng thức các loại trái cây tươi do chính tay mình hái xuống và ăn ngay tại chỗ. Chủ vườn “bao bụng” hoặc cân tính tiền theo kg. Đặc biệt, gần đây, khi mô hình dã ngoại du lịch vườn sinh thái được nhiều người quan tâm, các nhà vườn Chợ Lách, Tân Phú còn phục vụ thêm các món ăn đặc sản miền quê Bến Tre, như cháo gà thả vườn (gà ta ngon tuyệt), cháo hến, bánh xèo ốc gạo Cồn Phú Đa (Chợ Lách), …. Đây chính là điều mà khách phương xa không thể nào bỏ qua được.

6. Khu lăng mộ và nhà lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ yêu nước, tác giả truyện thơ Lục Vân Tiên. Khu lăng mộ và nhà lưu niệm nhà thơ Đồ Chiểu ở xã An Đức, huyện Ba Tri. Ngày 1-7 hàng năm, lễ hội truyền thống văn hoá của Bến Tre đều được tổ chức tại khu lăng mộ và nhà lưu niệm của nhà thơ.

7. Khu lăng mộ Phan Thanh Giản, tiến sĩ đầu tiên ở Nam Kỳ. Ông đã tự vẫn sau khi 3 tỉnh miền Tây dưới sự cai quản của ông bị rơi vào tay giặc Pháp. Khu mộ tưởng niệm ông hiện đặt tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, quê nhà của ông.

8. Nhà nho, nhà giáo lớn của thế kỷ 18 Võ Trường Toản. Học trò ông có những người về sau trở thành những học giả nổi tiếng thế kỷ 19 như Trịnh Hoài Đức, Lê Bá Phẩm, … Ông qua đời ngày 27-7-1792 và được chôn cất ở Gia Định. Khi 3 tỉnh miền Đông Nam bộ rơi vào tay thực dân Pháp, Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông, Phạm Hữu Chánh và một số sĩ phu khác đã bốc hài cốt ông di dời về chôn tại làng Bảo Thạnh. Ngày nay, khu lăng mộ ông được bảo quản tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre.

9. Trương Vĩnh Ký, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Việt Nam vào thế kỷ 19, được sử gia Jean Bouchot (người Pháp) gọi là “một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương”. Di tích và nhà lưu niệm của ông hiện nay ở vùng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách.

10. Khu tưởng niệm và đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định đặt tại xã Lương Hoà, huyện Giồng Trôm, cách trung tâm thị xã Bến Tre khoảng 20 km. Đây là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng sâu sắc và hiệu quả nhất của tỉnh Bến Tre.